TIN BÀI SEMINAR " MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP VÀ NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG THÂM CANH BẰNG CÔNG NGHỆ BIOFLOC Ở VIỆT NAM
Cập nhật lúc 11:14, Thứ năm, 20/06/2019 (GMT+7)
SEMINAR MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP
VÀ NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG
THÂM CANH BẰNG CÔNG NGHỆ BIOFLOC Ở VIỆT NAM
Sáng thứ 4, ngày 15/52019 tại Phòng 201 Giảng Đường B - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra buổi Seminar khoa học với chủ đề: “Một số vấn đề trong nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bằng công nghệ Biofloc ở Việt Nam”. Seminar bao gồm 2 bài trình bày: (1) “Một số vấn đề trong nuôi tôm công nghiệp ở Việt Nam” và (2) “ Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) bằng công nghệ biofloc trong điều kiện Việt Nam ”.
Đến tham dự buổi seminar có thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản cùng các em sinh viên K61 ngành Nuôi trồng và Bệnh Học Thuỷ Sản Học Viện. ThS. Lê Thị Hoàng Hằng đã trình bày, phân tích về một số vấn đề trong nuôi tôm công nghiệp ở Việt Nam và về công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Những tồn tại và khó khăn của nghề nuôi tôm Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay được nêu và phân tích với các vấn đề chính: (1) tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc mà đặc biệt là kháng sinh; (2) sự trôi nổi và thiếu kiểm soát của thuốc và các chế phẩm thủy sản trên thị trường, (3) người nuôi chưa quan tâm đúng mức tới việc xử lý nước và chất thải rắn và (4) dịch bệnh luôn tiềm ẩn, năng suất và chất lượng tôm thương phẩm không ổn định. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi tôm theo hướng bền vững, ổn định và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Biofloc là một công nghệ nuôi thủy sản theo hướng sinh học do một giáo sư người Isreal là Avnimelech khỏi xướng. Vài năm trở lại đây, công nghệ này đã và đang được áp dụng thành công tại các trang trại nuôi tôm ở Mỹ, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và đang trở nên phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở Thái Bình Dương. Công nghệ này tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn dị dưỡng phát triển, biến các chất hữu cơ có trong nước thải thành sinh khối vi khuẩn. Khi đạt mật độ cao, vi khuẩn dị dưỡng sẽ kết lại với nhau thành hạt floc. Biofloc là một phức hệ sống có giá trị dinh dưỡng cao và vai trò thiết yếu trong việc hấp thụ khí độc, thúc đẩy vòng tuần hoàn vật chất và góp phần tăng năng suất sinh học trong ao nuôi tôm. Những yêu cầu về thiết kế, vận hành và các kỹ thuật cơ bản của công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lần lượt đề cập và thảo luận. Các thành viên tham dự seminar đều nhận thấy những điểm mạnh của công nghệ biofloc như: tôm tăng trưởng nhanh; an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn so với công nghệ nuôi thông thường; không phải thay nước cũng như giảm chi phí và tiêu tốn về thức ăn. Tại buổi trao đổi, một số lưu ý về điểm yếu của công nghệ biofloc cũng như điều kiện đặc thù của địa phương cũng được phân tích và thảo luận đặc biệt là vấn đề đào tạo người nuôi có trình độ và giải quyết vấn đề sập, khê biofloc trong điều kiện Việt Nam.
Buổi seminar diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn; các thành viên trao đổi và thảo luận tích cực và các em sinh viên tham dự nâng cao được nhận thức và cập nhật nhiều kiến thức bổ ích. Seminar là cơ hội để các thành viên tham gia cập nhật thông tin về khoa học công nghệ và đưa ra hướng nghiên cứu trong thời gian tới nhằm góp phần nâng cao công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tế sản xuất của các thầy cô và sinh viên.
Một số hình ảnh seminar khoa học:
Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản